Đây là Bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực này, và cũng là Bản thỏa thuận đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước đưa thực tập sinh đến Nhật Bản, đánh dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này, ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng thành viên Chính phủ Việt Nam nghe giới thiệu hệ thống dây truyền tự động của Tập đoàn Nidec, Nhật Bản.
Trước đó, vào tháng 11/2016, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật về Thực hiện chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh nước ngoài (lần đầu tiên Nhật Bản có luật riêng quy định về chế độ đối với thực tập sinh nước ngoài). Theo luật mới này quy định một số nội dung mới như: thành lập Cơ quan Quản lý thực tập kỹ năng (OTIT) là cơ quan Nhà nước (thuộc Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi và Bộ Tư pháp Nhật Bản) có chức năng điều hành và quản lý thực hiện các hoạt động liên quan đến thực tập kỹ năng, như: thẩm định cấp giấy phép cho các tổ chức quản lý (nghiệp đoàn, đoàn thể giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài trước đây) và cấp chứng nhận kế hoạch cho các đơn vị, cơ sở Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài; kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến thực hiện thực tập kỹ năng; hỗ trợ, bảo hộ và bảo vệ các quyền, quyền lợi của thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản một cách hiệu quả hơn; thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ quan liên quan của Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập sinh nói trên; yêu cầu có sự hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản với Chính phủ các nước đưa thực tập sinh sang Nhật Bản (thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình thực tập kỹ năng - MOC).
Hai Thủ tướng Nhật Bản - Việt Nam phát biểu sau lễ ký kết các văn kiện hợp tác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Yasuhisa Shiozaki trao Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOU)
Sau hội đàm Nhật Bản- Việt Nam, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe, các quan chức Việt Nam và Nhật Bản, cùng báo giới, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki đã trao cho nhau Bản ghi nhớ hợp tác nói trên.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 - 2016, Việt Nam đã đưa được hơn 90.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Ước tính đến nay, có khoảng hơn 100.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản.
Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng(MOC) giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản bao gồm các nội dung chính như: mục đích, xác định cơ quan đầu mối của mỗi bên trong việc triển khai thực hiện, khuôn khổ và cơ chế hợp tác giữa hai nước, trách nhiệm của cơ quan Nhật Bản và trách nhiệm vủa cơ quan Việt Nam trong việc thực hiện chương trình hợp tác, hiệu lực của MOC, bên cạnh đó còn có 10 phụ lục kèm theo quy định cụ thể các nội dung thực hiện chương trình thực tập kỹ năng giữa hai nước.
Một số điểm chính và mới trong nội dung MOC
1. Xác định mục tiêu của sự hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ lợi ích của hai nước.
2. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập kỹ năng, như: phía Việt Nam kiểm tra và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; phía Nhật Bản cấp phép cho các Tổ chức quản lý Nhật Bản và cấp chứng nhận kế hoạch tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam cho các cơ sở, đơn vị Nhật Bản theo các tiêu chuẩn quy định trong Bản ghi nhớ.
3. Tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản trong việc thông tin cho nhau về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam, các Tổ chức quản lý và các đơn vị, cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, qua đó hướng dẫn, kiểm tra và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh; xử phạt doanh nghiệp, tổ chức quản lý, đơn vị và cơ sở tiếp nhận vi phạm các quy định của hai nước; và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, doanh nghiệp, tổ chức quản lý.
4. Trong những trường hợp khẩn cấp (thiên tai, khủng hoảng ...) và phù hợp hai bên sẽ thông qua cơ quan đại diện ngoại giao tại nước sở tại để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm kịp thời hỗ trợ di chuyển thực tập sinh đến nơi an toàn.
5. MOC cũng yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không được phép thu giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh, công khai các khoản thu phí của thực tập sinh để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam; giảm một số giấy tờ thủ tục hành chính của Nhật Bản đối với người lao động.
Theo Chương trình thực tập kỹ năng mới này, thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam sẽ được kéo dài lên 5 năm (trước đây chỉ đến 3 năm); đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe).
Với MOC này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước.
Tiếp theo Chương trình này, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với phía Nhật Bản để hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sang Nhật Bản học tập và làm việc.
Được biết, Bản ghi nhớ hợp tác sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2017, các cơ quan chức năng của hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề liên quan để tổ chức triển khai thực hiện chương trình này một cách hữu hiệu và thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức quản lý, cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, cũng như thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội