Nghị định số 144/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/09/2007 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2. Vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
a) Hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ;
b) Hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký hợp đồng, báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
c) Hành vi vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng với người lao động;
d) Hành vi vi phạm quy định về bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động;
đ) Hành vi vi phạm quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ và tiền dịch vụ; đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước;
e) Hành vi vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước;
g) Hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số đối tượng liên quan khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng
1. Tình tiết giảm nhẹ:
a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi;
c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;
d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
đ) Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
g) Vi phạm do trình độ lạc hậu.
2. Tình tiết tăng nặng:
a) Vi phạm có tổ chức;
b) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Xúi giục, lôi kéo, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;
d) Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;
e) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;
g) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;
h) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
i) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một (01) năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính:
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
Mức quy định phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.000.000 đồng.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:
a) Thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép);
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
c) Buộc về nước.
3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ba (03) tháng đến mười hai (12) tháng;
b) Tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động từ một (01) tháng đến sáu (06) tháng;
c) Đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động.
Doanh nghiệp, tổ chức sau khi hết thời gian bị tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động, nếu vẫn không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra thì có thể bị đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động;
d) Buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
đ) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
e) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn từ hai (02) năm đến năm (05) năm.
g) Buộc đóng góp đủ tiền vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định hiện hành.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT
Điều 6. Hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không công bố Giấy phép theo quy định;
b) Không niêm yết công khai quyết định của doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh và bản sao Giấy phép của doanh nghiệp dịch vụ tại trụ sở chi nhánh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo về việc doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, không thực hiện phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;
b) Trong thời hạn chín mươi (90) ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, không thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
c) Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không có trình độ từ đại học trở lên;
d) Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
đ) Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người mà trong thời gian người đó quản lý một doanh nghiệp khác bị thu hồi Giấy phép hoặc người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
e) Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh không đúng theo quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện trái quy định một trong các hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi đã nhận được thông báo về việc không được đổi Giấy phép hoặc đã bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Không bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật;
c) Doanh nghiệp không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
d) Chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ thực hiện vượt quá phạm vi nhiệm vụ được giao về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: thu hồi Giấy phép đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 3; điểm b và c khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ sáu (06) tháng đến mười hai (12) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này, trừ trường hợp đã bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký hợp đồng, báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng đã đăng ký theo Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập hoặc đã đăng ký nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
b) Doanh nghiệp nhận thầu, trúng thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không báo cáo hoặc đã báo cáo nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: thu hồi Giấy phép đối với doanh nghiệp dịch vụ có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ sáu (06) tháng đến mười hai (12) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, trừ trường hợp đã bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng với người lao động
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định;
b) Không thanh lý hợp đồng ký với người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không trực tiếp tuyển chọn lao động;
b) Không nêu rõ các quyền và nghĩa vụ về tài chính của các bên trong hợp đồng ký với người lao động theo quy định.
3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không ký hợp đồng với người lao động theo quy định;
b) Nội dung hợp đồng doanh nghiệp ký với người lao động, Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập không phù hợp với Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký;
c) Nội dung hợp đồng tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài ký với người lao động, Hợp đồng lao động không phù hợp với báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ một (01) tháng đến ba (03) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động trong trường hợp sau khi bị tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động quy định tại điểm b khoản này nhưng vẫn không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;
d) Buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
đ) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra và cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
c) Không tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ một (01) tháng đến ba (03) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động trong trường hợp sau khi bị tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động quy định tại điểm a khoản này nhưng vẫn không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;
c) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ và tiền dịch vụ; đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với doanh nghiệp dịch vụ có hành vi không đóng góp hoặc đóng góp không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu phí tuyển chọn của người lao động;
b) Thu, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
c) Không nộp bổ sung đủ và đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định đối với doanh nghiệp dịch vụ;
d) Thu, quản lý, sử dụng tiền môi giới không đúng quy định của pháp luật;
đ) Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
e) Không hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Thu hồi Giấy phép trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động trong trường hợp sau khi bị tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động quy định tại điểm a khoản này nhưng vẫn không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;
c) Đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này, trừ trường hợp đã bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
d) Buộc đóng góp đủ tiền vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định hiện hành đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
đ) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo, phối hợp với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;
b) Không kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;
c) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động;
d) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Thu hồi Giấy phép đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ sáu (06) tháng đến mười hai (12) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ nếu có một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này, trừ trường hợp đã bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 12. Hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký hợp đồng cá nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động;
b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động không đến nơi làm việc theo hợp đồng;
b) Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai (02) năm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn năm (05) năm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Chương III
Điều 13. Thầm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Phạt cảnh cáo.
2. Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này.
3. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm đ và e khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Điều 14. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Thanh tra viên chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng.
2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm đ và e khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này;
c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 5 Nghị định này;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Điều 15. Thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này;
3. Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 5 Nghị định này;
4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Điều 16. Thẩm quyền xử phạt của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài)
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
3. Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 5 Nghị định này;
4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d và đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Điều 17. Thẩm quyền thu hồi Giấy phép
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép.
Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến mức bị thu hồi Giấy phép thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi Giấy phép.
Chương IV
THỦ TỤC XỬ PHẠT
Điều 18. Thủ tục xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Điều 19. Thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam
1. Thủ tục lập biên bản:
a) Khi có một trong các căn cứ quy định tại điểm b khoản này thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự trong Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương III Nghị định này có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này);
b) Căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính:
- Văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước sở tại về hành vi vi phạm hành chính của người lao động;
- Tố cáo, khiếu nại bằng văn bản sau khi đã được kiểm tra, xác minh;
- Thông báo của người sử dụng lao động, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về hành vi vi phạm hành chính của người lao động sau khi đã được kiểm tra, xác minh;
- Kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
c) Nội dung biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, số hộ chiếu, thời hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp của người có hành vi vi phạm; ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; lời khai của người vi phạm (nếu có); xác nhận/chứng kiến của người lao động Việt Nam cùng làm việc hoặc xác nhận/chứng kiến của người sử dụng lao động trong trường hợp không có người lao động Việt Nam cùng làm việc.
Trường hợp người lao động có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định này thì nội dung biên bản vi phạm phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại về việc người lao động đã nhập cảnh và xác nhận của người sử dụng lao động về việc người lao động chưa đến nơi làm việc.
d) Biên bản phải được lập ít nhất thành ba bản, có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm (nếu có), người lao động Việt Nam cùng làm việc hoặc người sử dụng lao động; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ. Nếu người vi phạm hoặc người xác nhận hành vi vi phạm từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản lập xong phải được giao cho người vi phạm một bản (nếu có mặt).
đ) Trường hợp người vi phạm là đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì người có thẩm quyền lập biên bản hành vi vi phạm và gửi cùng hồ sơ vụ vi phạm cho Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét ra quyết định xử phạt. Kể từ khi nhận được biên bản vi phạm hành chính cùng hồ sơ nói trên, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm xem xét tiến hành thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
2. Quyết định xử phạt:
a) Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười (10) ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn chậm nhất để ra quyết định xử phạt là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Nội dung quyết định xử phạt (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này);
Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
b) Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, số hộ chiếu, thời hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp của người vi phạm; hành vi vi phạm; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, nếu hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì phải ghi rõ mức phạt tiền bằng tiền Việt Nam đồng; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả; thời hạn, nơi thi hành quyết định xử phạt và chữ ký của người ra quyết định xử phạt;
Trong quyết định xử phạt phải ghi rõ người bị xử phạt nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Quyết định xử phạt được gửi cho người có hành vi vi phạm trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị xử phạt thì trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ ngày ra quyết định, quyết định xử phạt phải được niêm yết tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, đưa thông tin lên website của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại (nếu có), thông báo cho người sử dụng lao động cuối cùng của người lao động và gửi cho Cục Quản lý lao động ngoài nước để thông báo cho gia đình người lao động hoặc người bảo lãnh (nếu có) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người lao động cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
d) Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị xử phạt thì quyết định xử phạt có hiệu lực sau mười (10) ngày, kể từ ngày niêm yết tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
3. Chấp hành quyết định xử phạt:
a) Thời hạn để người bị xử phạt tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực;
b) Trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Trường hợp người bị xử phạt về các hành vi quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Nghị định này mà không xác định được nơi cư trú, không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt ra thông báo bằng văn bản về việc không chấp hành quyết định xử phạt (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này), niêm yết thông báo đó tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, đưa thông tin lên website của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại (nếu có). Trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ ngày ra thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại phải gửi thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước để thông báo cho gia đình người lao động hoặc người bảo lãnh (nếu có) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người lao động cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
c) Sau ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt quy định tại điểm b khoản này mà người bị xử phạt về các hành vi quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Nghị định này nhưng không xác định được nơi cư trú vẫn không chấp hành quyết định xử phạt thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 274 và Điều 275 của Bộ luật Hình sự.
4. Thủ tục phạt tiền:
a) Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt;
b) Người lao động bị xử phạt tiền ở nước ngoài có thể nộp tiền phạt tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và được nhận biên lai thu tiền phạt. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức việc thu và nộp tiền phạt;
c) Tiền phạt được thu bằng đô la Mỹ (USD) hoặc bằng tiền của nước mà người lao động vi phạm làm việc hoặc bằng tiền Việt Nam;
Trường hợp thu bằng đô la Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đôla Mỹ so với đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu tiền phạt.
Trường hợp thu bằng tiền của nước mà người lao động vi phạm làm việc thì áp dụng tỷ giá quy đổi từ đô la Mỹ theo tỷ giá ngân hàng nước sở tại công bố tại thời điểm thu tiền phạt, hoặc theo tỷ giá ngân hàng nơi Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại mở tài khoản Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước và được giữ ổn định trong thời gian sáu (06) tháng.
d) Tiền phạt thu được phải nộp vào Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và được quản lý như sau:
- Định kỳ, chậm nhất là ngày 15 của tháng, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải nộp hết số tiền phạt của tháng trước vào Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước. Tiền phạt thu bằng đồng tiền nào thì phải nộp vào Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước bằng đồng tiền đó;
- Định kỳ sáu (06) tháng và một (01) năm Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải quyết toán số tiền phạt đã thu, nộp trong kỳ, báo cáo Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao thực hiện tổng hợp, quyết toán với Bộ Tài chính số thu hàng năm.
đ) Trường hợp người lao động vi phạm không tự nguyện chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt yêu cầu doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khấu trừ tiền ký quỹ của người lao động để thi hành quyết định xử phạt (nếu có). Sau khi nhận được thông báo không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt và hồ sơ vụ việc, trong thời hạn ba (03) ngày, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm quyết định việc cưỡng chế thi hành và tổ chức thực hiện, thông báo cho các cơ quan, cá nhân liên quan biết và thi hành.
5. Biện pháp đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt:
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm cấp giấy tờ cần thiết cho người bị xử phạt về nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, doanh nghiệp Việt Nam và gia đình người bị xử phạt mua vé máy bay cho người bị xử phạt về nước trong trường hợp người bị xử phạt không có khả năng tài chính để mua vé máy bay. Người bị xử phạt phải hoàn trả các chi phí liên quan sau khi về nước.
Chương V
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 20. Khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính của người có thẩm quyền.
Công dân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định hành chính trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Điều 21. Xử lý đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức, xử phạt vượt thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, công dân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Xử lý vi phạm đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính
Người bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 24. Tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Mẫu số 01
(Ban hành kèm theo Nghị định số 144/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ)
Tên cơ quan lập biên bản Số: /BB-VPHC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________________________ |
|
(Địa danh), ngày tháng năm |
BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI (1)
Hôm nay, hồi... giờ.... ngày….. tháng…… năm…tại…………………;
Người lập biên bản:................................. Chức vụ:................................;
Căn cứ ……… ……………. về việc người lao động vi phạm pháp luật.
Với sự chứng kiến của: (2)
1. Ông (bà):............................................. Nghề nghiệp:.........................;
Là người lao động Việt Nam cùng làm việc tại…………………….... (địa điểm nơi người lao động có hành vi vi phạm xảy ra).
Hộ chiếu số (hoặc giấy tờ tùy thân).................. Ngày cấp:......................;
Nơi cấp:....................................................................................................;
2. Ông (bà):........................................ Nghề nghiệp:................................;
Địa chỉ: ……………………………………………………..………..…;
Là người sử dụng của người lao động có hành vi vi phạm.
3. Ông (bà):....................................... Nghề nghiệp:.................................;
Địa chỉ: …………………………………………………………………...
Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về việc người lao động vi phạm quy định trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với:
Ông (bà):...................................................................................................;
Nghề nghiệp:.............................................................................................;
Địa chỉ nơi làm việc:................................................................................;
Địa chỉ thường trú tại Việt Nam:..............................................................;
Hộ chiếu số (hoặc giấy tờ tùy thân)..........................................................;
Cấp ngày…………………..tại ………………………….…….…………;
Thời hạn của hộ chiếu:..............................................................................;
Đã có hành vi :...........................................................................................;
Ngày….... tháng….. năm…… thực hiện hành vi vi phạm.
Địa điểm xảy ra hành vi vi phạm ………………………………………..;
Là hành vi vi phạm quy định tại Điều ………...khoản ……….... điểm……….. Nghị định số ………../2007/NĐ-CP ngày ……… tháng …….. năm 2007 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ý kiến trình bày của người vi phạm hành chính (nếu có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính):........................................................................
……………………………………………………………………………
Ý kiến trình bày của người xác nhận (nếu có):...........................................
…………………………………………………………….………………
Biên bản được lập thành (3) ... bản có nội dung và giá trị như nhau và được giao cho người vi phạm một bản (nếu người vi phạm có mặt), một bản gửi cho người bảo lãnh của người lao động tại Việt Nam, một bản gửi cho Cục Quản lý lao động ngoài nước, một bản gửi người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại (4)....................................................
Sau khi đọc lại biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản, không có ý kiến gì khác và cùng ký vào biên bản hoặc có ý kiến khác như sau:
Ý kiến bổ sung khác (nếu có): ……………………………………………
…………………………………………………………………………….
Biên bản này gồm…... trang, được những người có mặt cùng ký xác nhận vào từng trang.
Người vi phạm (nếu có mặt) (Ký, ghi rõ họ, tên) |
Người lập biên bản
(Ký, ghi rõ họ, tên) |
Người chứng kiến (nếu có) (Ký, ghi rõ họ, tên) |
Lý do người vi phạm (hoặc người xác nhận) không ký biên bản:................
Lý do người vi phạm không có mặt:............................................................
Ghi chú:
(1) Bao gồm: Người lao động, chuyên gia, tu nghiệp sinh đi làm việc ở nước ngoài.
(2) Người chứng kiến (nếu có) có thể là người lao động Việt Nam cùng làm việc với người lao động vi phạm và/hoặc người đại diện của doanh nghiệp Việt Nam, người sử dụng lao động, cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
(3) Biên bản được lập ít nhất 03 bản.
(4) Ghi tên nước sở tại.
Mẫu số 02
(Ban hành kèm theo Nghị định số 144 /2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ)
Tên cơ quan ra quyết định Số: /QĐ-XPHC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________________________ |
|
(Địa danh), ngày tháng năm |
QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Nghị định số …………./2007/NĐ-CP ngày ….. tháng ….. năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính do ông (bà):............................................
Chức vụ:........................... Lập hồi:.......................... tại:....................................
Xét hành vi vi phạm hành chính do ông (bà) thực hiện;
Tôi:....................................; Chức vụ:...............................................................;
Đơn vị:..............................................................................................................;
(Trường hợp được ủy quyền thì phải ghi theo văn bản ủy quyền số….ngày..)
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Xử phạt ……………………………………… đối với
Ông (bà):...........................................................................................................;
Nghề nghiệp:.....................................................................................................;
Địa chỉ thường trú tại Việt Nam:.......................................................................;
Giấy chứng minh nhân dân số/Hộ chiếu số:....................................;
Cấp ngày………………………. tại…………......………………….………...;
Thời hạn của hộ chiếu:................................................;
Hình thức xử phạt bổ sung: Buộc về nước.
Biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có): ………….......……………………….;
Lý do:
- Đã có hành vi vi phạm hành chính…………………….…………………
Quy định tại……điểm….. khoản …………..Điều………… Nghị định số……../2007/NĐ-CP ngày …. tháng ….năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm:...................................
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (1)
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Quyết định có hiệu lực, Quyết định này phải được gửi cho: Ông (bà)................................... để chấp hành (2);
Người bị xử phạt phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực; nếu trong thời hạn 30 ngày, người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt, sẽ bị cưỡng chế thi hành; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Quyết định này gồm………………………….. trang, được đóng dấu giáp lai giữa các trang.
Người ra quyết định
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)
Ghi chú:
(1) Trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị xử phạt thì Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày niêm yết tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
(2) Trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị xử phạt thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Quyết định có hiệu lực, Quyết định này phải được niêm yết tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, đưa lên website của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, thông báo cho người sử dụng lao động cuối cùng của người bị xử phạt và được gửi cho: Cục Quản lý lao động ngoài nước để thông báo cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Mẫu số 03
(Ban hành kèm theo Nghị định số 144 /2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ)
Tên cơ quan ra thông báo Số: /TB-KCHQĐXP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________________________ |
|
(Địa danh), ngày tháng năm |
THÔNG BÁO VỀ VIỆC KHÔNG CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Căn cứ Nghị định số …./2007/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài số…... ngày.…. tháng..... năm……của…..…;
Tôi: …………………….; Chức vụ:.....................................................;
Đơn vị:..................................................................................................;
THÔNG BÁO
Căn cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số….. ngày… ….. ……. tháng…...năm… của………
Đối với: (họ, tên người bị xử phạt):........................................................;
Nghề nghiệp:...........................................................................................;
Địa chỉ nơi làm việc ở nước ngoài:.........................................................;
Địa chỉ thường trú tại Việt Nam:.............................................................;
Giấy chứng minh nhân dân số/Hộ chiếu số:............................................;
Cấp ngày…………………….. tại………………………….…………..;
Thời hạn của hộ chiếu:.............................................................................;
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Thông báo này có hiệu lực, ông (bà)............ phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số…... ngày…. tháng…….. năm….. của………... Hết thời hạn nêu trên, nếu người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt (tên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại) sẽ chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan chức năng tại Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thông báo này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thông báo có……….. trang, được đóng dấu giáp lai giữa các trang.
Thông báo này được niêm yết và lưu tại ……………………..(tên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại), được đưa lên Website của………………………(tên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại) và được gửi cho:
1. Ông (bà).................................................... để thực hiện (1)
2. Cục Quản lý lao động ngoài nước để thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Người ra thông báo
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)
Ghi chú: (1) Nếu xác định được nơi làm việc hoặc nơi cư trú của người bị xử phạt.