Sovilaco
www.sovilaco.com.vn

An Giang

                                                           AN GIANG

Diện tích :               3.536,8 km2

Dân số (2007):          2.231.000 người

Tỉnh lỵ:                    Thành phố Long Xuyên

Các huyện, thị:      Thị xã Châu Đốc; huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn.

Dân tộc:                  Việt (Kinh), Hoa, Chăm, Khmer…

Rừng tràm Trà Sư

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mêkông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông và đông bắc An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp thành phố Cần Thơ, phía nam và tây nam giáp Kiên Giang, phía tây giáp nước Campuchia. Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác, bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một miền núi nhỏ, dài 30km rộng 13km. Đó là khu vực Bảy Núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Phía tây tỉnh chạy song song với biên giới là kênh Vĩnh Tế, được đào năm 1823 nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên.

An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 270C, cao nhất là 35 -360C vào tháng 4 -5, thấp nhất từ 20 - 210C vào tháng 12 và tháng 1. Lượng mưa trung bình 1.400mm -1.500mm, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5-11, mùa khô từ tháng 12 – tháng 4 năm sau. Hàng năm An Giang vẫn đón nhận con nước lũ khoảng từ 2,5 tháng đến 5 tháng và hình thành "mùa nước nổi".

An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, ngoài cây lúa còn trồng bắp, đậu nành và nuôi (trồng) thủy sản nước ngọt như cá, tôm… An Giang còn nổi tiếng với các đặc sản: mắm Châu Đốc, khô bò, bánh phồng (Phú Tân), đường thốt nốt, bông điên điển…và các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mộc Chợ Thủ. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.

Thành phố Long Xuyên trên hữu ngạn sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 189km, được hình thành vào đầu thế kỷ 19.

An Giang được nhiều du khách biết đến với các danh lam thắng cảnh: núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, núi Cấm và hệ thống hang động, sơn viên Cô Tô, đồi Tức Dụp anh hùng trong chống Mỹ và nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật khác.

 

VĂN HÓA – LỄ HỘI

An Giang có cư dân thuộc 17 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Việt (94,3%), người Khmer (4,07%), người Chăm (0,65%), người Hoa (1,01%) và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những nét sinh hoạt văn hóa và các lễ hội của mình, lễ vía bà Chúa Xứ núi Sam được xem là lễ hội văn hóa dân tộc nổi tiếng khắp cả nước. Người Chăm sống chủ yếu ở 2 huyện Tân Châu và Phú Tân có các lễ hội: lễ Ramadan, lễ Hát Gi (Roja haji)… Người Khmer, sống tập trung ở vùng núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn – thường tổ chức lễ hội khá nhộn nhịp vui tươi sau các mùa vụ như: đua bò, tết Chôl Chnam Thmây, lễ Đôlta. An Giang có các tôn giáo: đạo Phật, Cao Đài, Công giáo, đạo Hồi và đạo Hòa Hảo.

 

Lễ hội bà Chúa Xứ

Miếu Bà Chúa Xứ

Đây là lễ hội dân gian lớn nhất của Nam Bộ, được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23 – 27 tháng 4 âm lịch tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam, cách thị xã Châu Đốc 7km. Trong ngày lễ còn có múa bóng, hát bội… Từ đêm 23, mọi người đã tập trung về miếu đễ xem lễ tắm bà. Tượng bà được đem xuống, cởi áo ra, lấy nước mưa pha với nước hoa để tắm. phong tục này đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Lễ vía bà hàng năm thu hút rất đông khách thập phương, vừa để tham dự lễ hội dân gian, vừa xin cầu tài, cầu lộc đồng thời còn để du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp ở núi Sam, của các di tích lịch sử như lăng Thoại Ngọc hầu, chùa Tây An…

 

Hội đền Nguyễn Trung Trực

Đền Nguyễn Trung Trực ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, thờ Nguyễn Trung Trực là thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ, người làm nên chiến thắng vang dội đánh chìm tàu giặc Pháp trên sông Nhật Tảo (thế kỷ 19). Lễ hội mở 2 ngày 18 và 19 tháng 10 âm lịch hàng năm để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của ông. Sau lễ cúng và lễ tưởng niệm thường có tiết mục tái hiện trận đánh con tàu trên. Hội thường tổ chức chơi cờ tướng, bơi thuyền và nhiều trò vui khác.

 

Lễ hội Chôi Chnam Thmây

Là lễ năm mới, lễ tết lớn nhất của người Khmer Nam bộ (tương tự như tết nguyên đán của người Việt ), được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 tháng Chét Phật Lịch (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) tại chùa và ở gia đình. Lễ hội có ý nghĩa tống tiễn mùa nắng hạn, bước sang thời kỳ có mưa để làm mùa. Trong đêm 12 ở chùa, sư sãi cùng các cụ già tụng kinh tiễn năm cũ, rước năm mới. Ở mỗi gia đình đều lên đèn thắp hương làm lễ tiễn đưa Têvêđa (thần coi Sóc) cũ, đón Têvêđa mới. Họ tin rằng Têvêđa là vị thần được trời sai xuống để chăm lo cho dân chúng trong một năm, hết năm lại đưa vị khác xuống thay công việc đó.

Trong dịp này, ngoài cúng lễ, bà con còn thăm hỏi và chúc mừng nhau, buổi tối có đốt pháo thăng thiên, tổ chức các trò chơi như thả diều, đánh quay lửa… trai gái trong làng múa Roam Vông , hát Dù Kê…

 

Lễ hội Đôlta ( lễ cúng ông Bà)

Lễ Đôlta vào cuối tháng 8 âm lịch (các địa phương tổ chức vào các ngày khác nhau thường vào thượng tuần tháng 8) tại vùng đồng bào Khmer Nam bộ sinh sống. Đây là ngày lễ tưởng nhớ tổ tiên ông bà (như tết Thanh Minh của người Việt). Trong những ngày lễ này, người dân mang bánh tét, hoa trái, cơm canh đến lễ chùa. Sau đó tổ chức tế lễ, ăn uống tại gia đình.

 

lễ hội Đua Bò

Lễ hội Đua Bò

Lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Khmer ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, nơi nuôi nhiều bò làm sức kéo nhất tỉnh An Giang. Trường đua thường là một khu đất rộng khoảng 60m và dài khoảng 170m được bao bởi bờ đất cao, đồng thời là khán đài. Phía dưới là đường đua dài khoảng 90m rộng khoảng 4m, hai đầu đặt mốc xuất phát và đích đến. Vào ngày hội, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặt biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa. Mỗi đôi bò được điều khiển bởi 2 nài: nài chính và nài phụ. Nài chính điều khiển đua bò đứng trên bàn đạp, cầm cương và gậy thúc bò chạy nhanh. Trước và sau mỗi lượt đua, bò được săn sóc cẩn thận.

Lễ hội đua bò của dân tộc Khmer hàng năm thường được tổ chức vào dịp lễ Đôlta.

 

Lễ hội hát Gi (Haji hay Roja haji)

Là Lễ hội của cộng đồng người Chăm theo đạo hồi ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đông Nai thờ thượng đế Allah. Lễ được tổ chức từ ngay 7 đến 10 tháng 12 (Hồi lịch) tại các thánh đường Hồi giáo.

Hàng năm ở An Giang lễ hát Gi diễn ra tại chùa Chăm Lớn Châu Giang xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân. Vào ngày lễ toàn thể tín đồ, lắng nghe Khojip kể lại ngày thánh Ibrôhim. Buổi tối tổ chức cuộc thi đọc kinh Coran và chấm giải nhất cho ai đọc hay và thông suốt.

Sau phần hành lễ. người Chăm thường tổ chức các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao, như ca hát, đua ghe giống như tết của người Việt, đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và chúc mừng những điều lành cho nhau.

                                                                  Theo Non nước Việt Nam

WebForm_DoCallback('__Page',null,null,null,null,true)